Đây là lược sử bằng hình ảnh và văn bản – mà tôi thu thập được – về thời kỳ đầu của giống gà đuôi dài phoenix hay còn gọi là yokohama ở châu Âu.
Đây là lược sử bằng hình ảnh và văn bản – mà tôi thu thập được – về thời kỳ đầu của giống gà đuôi dài phoenix hay còn gọi là yokohama ở châu Âu. Những cá thể nhập khẩu đầu tiên được biết rất yếu ớt và không ổn định. Việc lai xa được thực hiện ngay sau đó với nỗ lực tuyệt vọng nhằm duy trì nguồn gien của giống gà đuôi dài. Hugo du Roi là nhân vật lịch sử nổi bật nhất mà tôi có thể phát hiện ra, nhưng tôi có cảm nhận mạnh mẽ rằng các nhà lai tạo người Anh sẽ bước ra khỏi nơi mai danh ẩn tích, để một ngày nào đó, tên người Anh sẽ góp phần vào lịch sử giống gà này.
Tôi xin trình bày bản sao một bức thư cực kỳ thú vị, viết vào năm 1997, mà Julia Keeling gửi cho tôi từ đảo Isle of Man, vương quốc Anh, về việc đăng ký giống gà yokohama.
Vì việc đăng ký mới này, tôi đang trong quá trình tổng hợp tình hình chung về số lượng cá thể cùng với màu sắc, kích thước và kiểu mồng. Nếu có nhà lai tạo giống gà yokohama nào chưa nhận được mẫu báo cáo thì hãy liên với tôi. Tôi sẽ công bố kết quả dựa vào số lượng các báo cáo phản hồi.
Mọi người thường thắc mắc đâu là “phoenix” còn đâu là “yokohama”. Câu trả lời đó là, ở nước Anh, tất cả gà đuôi dài Nhật Bản lớn bé đều là yokohama – mặc dù bạn sẽ thấy nhiều sách vở và bài viết, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, vẫn cố gắng nói khác đi. Chẳng hạn, cuốn “’Bantams In Colour” do nhà Domestic Fowl Trust xuất bản năm 1984 có quá nhiều sai sót, nhất là với một cuốn sách được viết vào thời hiện đại – hình yokohama bantam màu điều (black/red) lại được ghi chú là “phoenix chuối lửa” (golden ducwing).
Cuốn sách tiếp tục lý giải “đừng nhầm lẫn với yokohama, một giống gà thuần. Ở Anh, phoenix đôi khi bị nhầm với yokohama.” Nó cũng phát biểu rằng màu chuối bạc (silver duckwing) và chuối lửa là những màu lông duy nhất, màu vàng là màu chân duy nhất, và rằng mồng dâu (pea) là lỗi. Trên thực tế, chân có thể vàng, lục hay lam nhạt (màu vàng chỉ xuất hiện ở những con lông mã đỏ), và mồng có thể là mồng lá , mồng dâu hay mồng trích (walnut). (Tai có thể trắng hay đỏ, màu đỏ chỉ xuất hiện ở những con lông mã đỏ – theo tiêu chuẩn mới được tóm tắt gần đây trong Poultry Club Standards).
Lần tìm về những xuất bản sớm hơn – Cuốn “Poultry for Prizes and Profit” của Long (1895) ghi nhận việc lai tạo giống gà “phoenix” của những tay chơi người Đức, những người “lai xa với giống gà yokohama” và đoạn về giống gà yokohama viết “… tương tự như giống phoenix ở một số đặc điểm, nhưng… lông của chúng không có xu hướng mọc dài như ở phoenix.
Giống gà này không có những tiêu chuẩn cụ thể để được xem như là một giống gà đặc trưng hay riêng biệt.” Tuy nhiên, vào năm 1911, trong bài hiệu đính cuốn “Book of Poultry” của Wright, Lewer phát biểu rằng “vào năm 1878, những con gà xuất xứ từ Nhật Bản xuất hiện ở Đức, và hai năm sau ở Anh… một số được trưng bày như là yokohama, số khác như là phoenix, nhưng những so sánh kỹ lưỡng về ngoại hình… không thể chỉ ra bất kỳ khác biệt nào ngoài đôi chút khác biệt về màu lông…
Những con gà như vậy thỉnh thoảng được trưng bày như là “gà chọi Nhật Bản” kể từ năm 1872. Rất nhiều tên gọi được sử dụng. Tên mà người Đức đưa ra, “phoenix”, hầu như không truyền tải ý nghĩa gì và tên “gà đuôi dài Nhật Bản” quá lại chung chung. Một số người cố gắng sử dụng tên “shinowaratao” nhưng tên gọi giống gà “yokohama” đã trở nên quen thuộc.” (tình cờ, vào năm 1911, một câu lạc bộ chuyên nuôi giống gà yokohama được thành lập và tiếp theo đó nhiều thể loại và triển lãm được tổ chức).
Vào năm 1915, cuốn “Poultry Manual” của ngài T.W.Sturges nói về giống gà yokohama như sau “thường được gọi là gà Nhật đuôi dài hay phoenix” và vào năm 1921, cuốn “Cyclopedia of Poultry” của Hicks phát biểu rằng “một trong những đặc điểm riêng biệt của giống gà yokohama là mồng dâu, vốn cực kỳ mạnh mẽ về tính khí và hình dạng và là giống gà chọi của Nhật Bản (giống gà đòn shamo không xuất hiện ở Anh mãi cho đến những năm 1970).
Giống gà phoenix hay đôi khi còn được gọi là gà đuôi dài Nhật Bản, lại thường có mồng lá”. Tuy nhiên, cũng bài viết đó phát biểu rằng “gà yokohama có thể có mồng dâu hay mồng lá, và gồm các biến thể nhạn, chuối, chuối lửa và bông.” Tiêu Chuẩn Câu Lạc Bộ Gia Cầm (Poultry Club Stadards) những năm sau đó (1922) quy định gà yokohama mồng dâu hay mồng lá đều được chấp nhận (mồng dâu chỉ xuất hiện ở những con lông mã đỏ) và không đề cập gì đến “phoenix”.
Cuốn sách xuất bản mới gần đây “’Japanese Long-Tailed Fowl” của J.Batty vào năm 1994 vẫn còn phát biểu “yokohama và phoenix tương đối phổ biến ở Anh” – gà “vai đỏ” được gán tên yokohama và gà có màu gà chọi được gán tên phoenix. Sách cũng nói rằng gà phoenix có mồng lá mặc dù đoạn sau lại nói “luôn có sự nhầm lẫn giữa phoenix với yokohama” nhưng ở Anh hiện nay, Câu Lạc Bộ Gia Cầm (Poultry Club) coi cả hai như là yokohama.
Sách cũng có phần tham khảo về onagadori, giống gà đuôi cực dài của Nhật, mà chúng phải được nuôi trong chuồng bảo vệ đặc biệt với mục đích giúp đuôi phát triển đến chiều dài không tưởng là 10 m – những tấm hình trong bài viết của Frank Ogasawara đăng trên tạp chí National Geographic tháng 12 năm 1970, hay trong sách tiếng Đức “Schoene Janpaner-, Phoenix- und Zwergphoenix-Huehner” của Rolf Ismer (1989). Sách này cũng có những hình ảnh tuyệt vời minh họa sự khác nhau giữa lông đuôi của onagadori với phoenix (hay yokohama đối với người Anh). Có một số onagadori ở Anh nhưng rất ít con được đem trưng bày.
Tôi hy vọng bài viết này không tạo thêm nhiều ngộ nhận nữa – tuy có rất nhiều thông tin trái ngược mà tôi chỉ ra ở đây.
Phải luôn ghi nhớ rằng, giống gà yokohama được đánh giá chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng và độ dài của lông đuôi và lông cổ với 45% điểm số. Kiểu và cân nặng chiếm hơn 20% điếm số – màu sắc chỉ chiếm 5% và đầu 10% (còn lại là kích thước 10%, điều kiện 5% và chân 5%).
May thay, chúng ta sưu tầm được những tấm ảnh này từ chương trình lai tạo của Hugo du Roi. Ngài du Roi là chủ tịch Hội Gia Cầm Đức và là người sưu tầm giống gà đuôi dài mới du nhập (có lẽ là gà onagadori gốc), ông ủng hộ tên “phoenix” vì đó là loài chim huyền thoại và nổi tiếng. Nỗ lực lai tạo của ông đã tạo dựng nền tảng cho giống gà đuôi dài ở lục địa châu Âu. Gien lông đuôi cực dài “gt”, vốn phát xuất từ gien không thay lông (non-moulting) của giống gà onagadori, được duy trì qua mấy chục năm trời lai tạo. Gien không thay lông “nm” bị mất sau thời thế chiến, nhưng điều may mắn tuyệt diệu là giống gà đã không bị tuyệt chủng cùng với kiểu tư duy thực dụng vào thời đó.
Những con gà trong hai tấm ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 thể hiện kiểu mồng dâu ba khía, lông mã, lông phụng rất dầy và dài.
Hai tấm ảnh lịch sử khác về những con gà hậu duệ từ chương trình lai tạo của ngài du Roi. Chúng là những ví dụ rõ nét về chất lượng đuôi rất cao vào thời đầu thế kỷ 20. Màu của con gà trống điều trông đậm hơn so với yêu cầu của trọng tài trong các cuộc triển lãm ở lục địa châu Âu ngày nay. Con gà chuối ở dưới thể hiện lông cổ không có vạch đen ở chính giữa, một đặc điểm của giống gà onagadori ngày nay. Hầu hết gà phoenix ở châu Âu đều có vạch giữa.
Khi những con phoenix/yokohama đầu tiên được đem triển lãm ở Đức và toàn châu Âu đã gây ra một chấn động. Hình vẽ ở dưới mô tả một con gà trống với lông phụng đột biến, lông mã và lông cánh dài. Hình vẽ ở dưới và hình chụp ở trên có kiểu hình rất tương tự.
Bộ lông nổi bật của hậu duệ giống gà đuôi dài Nhật Bản, phoenix/yokohama, chiếm được cảm tình của công chúng, thể hiện được hình ảnh của giống gà và tạo niềm cảm hứng cho các họa sĩ nhờ vẻ đẹp của chúng.
ANH QUỐC – ĐẦU THẾ KỶ 20
Ở nước Anh, chương trình lai tạo giống gà đuôi dài cũng tương tự như ở lục địa châu Âu, nhưng không khắt khe về màu sắc, kiểu mồng hay màu chân. Hai tấm hình ở dưới thể hiện rõ nét những con gà chọi màu chuối, mồng dâu với rất nhiều máu gà đòn châu Á (như ở gà yokohama “vai đỏ”). Kiểu hình “yokohama” ở Anh có lẽ gần với những con được nhập khẩu ban đầu hơn là dạng phoenix mồng lá, tai trắng đặc trưng. Hai tấm hình dưới đây là một minh chứng nổi bật cho đẳng cấp của giống gà đuôi dài vào đầu thế kỷ 20. Mỗi tấm đều thể hiện xu hướng ban đầu của giống gà: kiểu hình gà chọi và dạng mồng lá dài, diễm lệ hơn.
HÀ LAN – ĐẦU THẾ KỶ 20
Tôi tìm thấy những hình này trong một cuốn sách tiếng Hà Lan vào cùng giai đoạn với những ví dụ ở trên. Xin lưu ý rằng lông mã bị ngắn một cách “đột ngột”.
Những hình này minh họa kiểu hình màu gà chọi yokohama/phoenix như chúng ta thấy cho đến tận những năm 1970 khi giống gà onagadori được lai xa thành nhiều dòng ở Đức và lai xa nữa với gà lơ-go (leghorn), gà mã lai, krueper, modern english game, old english game và bantam phoenix. Tôi không rõ trái trứng to tướng như trứng đà điểu có ý nghĩa gì. Chắc chắn họa sĩ không thể cho rằng trái trứng to như vậy lại liên quan đến giống gà!? Đây là một bằng chứng nữa cho thấy kiểu gien lông mã dài “sg” hoàn toàn độc lập với gien tác động lên chiều dài lông đuôi và lông phụng.
Xem thêm: Những loại thuốc tốt sử dụng cho chiến kê
Comments are closed.